Nhằm chia sẻ với giáo viên (GV) trong việc thực hiện Thông tư 30, ngày 15/1 và 16/1 chuyên viên của Bộ GD-ĐT đã trực tiếp về trao đổi với lãnh đạo các Phòng GD-ĐT, Hiệu trưởng các trường tiểu, thầy cô đại diện cho các trường tiểu học, đặc biệt là GV bộ môn thuộc địa bàn tỉnh An Giang và Đồng Tháp.
Hàng loạt vấn đề “nóng” như đưa ra lời nhận xét viết, công việc ghi sổ sách…được GV thẳng thắn đặt ra nhằm tìm lời giải đáp từ phía các chuyên viên Bộ GD-ĐT.
“Nóng” chuyện sổ sách
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí tham gia cùng đoàn công tác của Bộ GD-ĐT, mặc dù ở hai địa bàn hoàn toàn khác nhau nhưng những băn khoăn, thắc mắc của GV thì lại có tính tương đồng.
Khơi mào cho những băn khoăn, bức xúc và trăn trở trong việc thực hiện Thông tư 30, thầy Ngô Hữu Nhân – GV Tiếng Anh của trường tiểu học Chu Văn An (TP Long Xuyên – An Giang) bày tỏ băn khoăn: “Thông tư 30 giúp cho GV nắm vững khả năng của từng em học sinh (HS) của lớp thông qua việc nhận xét từ đó sẽ có biện pháp hiệu quả hơn để giáo dục cho các em. Tuy nhiên, trong quá trình nhận xét HS GV bộ môn gặp nhiều khó khăn do số lượng HS đông. Thời gian không có đủ để nhận xét hết cho các em. Vậy GV có được phép không nhận xét hết 100% HS được hay không? Chỉ nhận xét những HS đặc biệt như HS cá biệt, HS có biểu hiện học sa sút hoặc tiến bộ?”
Thẳng thắn đề cập một cách sâu sắc hơn, cô Lê Thị Tú Anh – Hiệu trưởng trường tiểu học Trịnh Hoài Đức (An Giang) cho biết: Hồ sơ sổ sách đang là gánh nặng của tất cả các GV. Kết thúc một học kì thi đa phần GV “than” rất là nhiều nhưng họ đã phải cố gắng để hoàn thành. Trong sổ sách có nhiều điểm trùng nhau, việc ghi họ tên HS, địa chỉ…được lặp đi lặp lại nhiều lần khiến GV thêm công việc. Với những GV bộ môn dạy hàng trăm HS, GV còn không thể nhớ tên, mặt mũi các em thì làm sao nhận xét được cho đúng, như vậy nếu có hoàn thành thì cũng chỉ mang tính chất ứng phó.
Cô Lê Thị Tú Anh bày tỏ băn khoăn, thắc mắc về Thông tư 30
“GV hiện nay đang ôm hồ sơ sổ sách để làm chứ không có thời gian tập trung cho chuyên môn. Nếu cứ để hiện tượng này kéo dài thì đến một lúc nào đó thì chất lượng giáo dục sẽ đi lùi chứ không thể tiến được. Chính vì thế Bộ phải cùng với các địa phương phải tháo gỡ cái này” – cô Lê Thị Tú Anh nhấn mạnh.
Ngay sau khi sự cởi mở trong trao đổi được dần nới rộng, các GV ở An Giang tiếp tục đặt các câu hỏi chủ yếu xoay quanh vào hồ sơ sổ sách. Chẳng hạn như, tại sao không giảm hồ sơ sổ sách mà lại thêm quá nhiều đối với GV đang trực tiếp làm nhiệm vụ dạy lớp; Giải quyết các vấn đề trùng lặp trong sổ sách ra sao…
Không chỉ ở An Giang mà những “điệp khúc” này tiếp tục được các thầy cô ở tỉnh Đồng Tháp đề cập đến.
Một cô giáo đến từ trường tiểu học Trưng Vương (Thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp) nghẹn ngào chia sẻ lời đồng nghiệp dạy môn Mỹ Thuật nhờ chuyển đến Bộ tại buổi chia sẻ: “Thầy dạy hơn 1.200 HS, mỗi HS vừa phải viết nhận xét, đánh giá 3 mặt và phải viết đi viết lại ở 3 cuốn số (sổ liên lạc, sổ theo dõi chất lượng, học bạ). Như vậy thầy giáo phải viết gần 4000 lời nhận xét. Thầy có nói vui với tôi, cô đi lên gặp “quan lớn” thì chuyển ý kiến dùm tôi, cô cứu tôi với nhé”
Đại diện đến từ trường tiểu học Trưng Vương tâm tư, bày tỏ nguyện
vọng khi thực hiện Thông tư 30
vọng khi thực hiện Thông tư 30
Từ bản thân mình cô giáo này tâm sự thêm: Là GV chủ nhiệm nhiều năm nên tôi không gặp khó khăn khi thực hiện Thông tư 30. Nhưng tôi mong hãy cho chúng tôi được quyền đánh giá, nhận xét theo tâm tư khách quan của GV, không nhất thiết phải đánh giá đầy đủ cả 3 mặt với tất cả HS. Hiện tại xuất hiện nhiều câu mẫu, nhận xét mẫu và GV cứ thế chép vào thì làm sao đúng với thực tế được, đó chỉ là hình thức ứng phó mà thôi”
Địa phương cần chủ động “cởi trói” cho GV
Trước những vấn đề băn khoăn, thắc mắc khá nhiều của GV ở An Giang, Đồng Tháp các chuyên viên của Bộ GD-ĐT đã phải dành khá nhiều thời gian để tháo gỡ từng mặt, thậm chí là chi tiết nhỏ nhặt nhất.
TS Hoàng Mai Lê – Chuyên viên chính Vụ giáo dục Tiểu học thẳng thắn trao đổi: Chúng tôi thừa nhận với việc ra đời của Thông tư 30 thì GV có phần vất vả hơn. Tuy nhiên, nói về mặt sổ sách các thầy cô có thể cho biết chúng ta thêm những sổ gì so với trước đây? Sổ sách nhiều như hiện nay là do Thông tư 30 hay nó đã nhiều từ khi thực hiện Thông tư 32?
Hồi đáp câu hỏi thì phần lớn GV đều im lặng, chỉ có một số cho biết: Về mặt số lượng sổ sách thì không nhiều hơn so với Thông tư 32, thậm chí là ít hơn. Tuy nhiên GV đã phải làm việc vất vả hơn khi phải ghi lời nhận xét, theo dõi chất lượng, ghi nhận xét trong học bạ…Chính vì phải ghi chép quá nhiều như thế này nên GV không còn thời gian để giúp đỡ HS cũng như nâng cao kiến thức của mình.
“Như vậy, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận vấn đề không phải là do số lượng sổ sách tăng lên mà GV chỉ vướng mắc khi phải ghi nhận xét quá nhiều” – TS Hoàng Mai Lê nói.
TS Hoàng Mai Lê chia sẻ và giải đáp những băn khoăn cho GV ở tỉnh
Đồng Tháp
Đồng Tháp
Để giải quyết vấn đề ghi sổ sách, TS Hoàng Mai Lê lấy dẫn chứng thực tế ngay tại buổi chia sẻ: Hôm nay, tại đây chúng ta đang tổ chức buổi chia sẻ kinh nghiệm và một lãnh đạo vào hỏi buổi chia sẻ hôm nay như thế nào thì theo các bạn tôi phải trả lời ra sao? Tôi có thể trả lời là tôi không biết được không? Nếu có một phụ huynh nào đó lên hỏi con tôi học như thế nào thì liệu có thầy cô nào dám nói họ là tôi không biết do lớp đông HS quá không?
Chúng ta giải quyết bài toán này như thế nào? Như tình huống của tôi thì bắt buộc tôi phải trả lời: Thưa anh tốt ạ. Dĩ nhiên lãnh đạo này sẽ truy vấn tiếp: Tốt như thế nào? Lúc đó tôi phải nói được: Thưa anh, buổi chia sẻ hôm nay có đồng chí A mạnh dạn phát biểu, đồng chí B còn rụt rè, đồng chí C chưa tập trung còn làm việc riêng…
Vấn đề đặt ra: Nếu lãnh đạo hỏi đồng chí D khi mà cá nhân tôi nhận thấy không có sự mạnh dạn, nhưng nghiêm túc nghe để tiếp thu và hiểu được vấn đề thì sẽ trả lời thế nào? Lúc đó chúng ta có thể nói là bình thường được không?
Việc ghi sổ theo dõi chất lượng, ghi nhận xét vào vở HS cũng tuân thủ theo nguyên tắc này. Mục tiêu của thông tư 30 là vì sự tiến bộ của HS, nghĩa là chúng ta chỉ phải ghi nhận xét đối với những em chưa hoàn thành để lưu ý tìm cách động viên giúp đỡ em hoặc ghi một số em nổi bật để mình quan tâm phát triển khả năng của em. Đối với những em đã hoàn thành thì mình có thể không cần phải ghi nhận xét. Nếu thầy cô còn thời gian, quan tâm được các em này thì Bộ rất hoan nghênh.
Cũng theo TS Lê, việc ghi nhận xét cần thể hiện được việc động viên, khuyến khích để chính các em và phụ huynh có thể hiểu được để phối hợp với GV điều chỉnh. Sổ học bạ là ghi lại quá trình học tập của em và nó gắn với các em khi học lên lớp trên nên cũng cần phải ghi cẩn thận. Đối với các số sách khác phục vụ cho chính GV thì tùy các cô ghi, miễn làm sao mình hiểu được và biết em nào cần theo dõi để giúp đỡ, em nào cần quan tâm bồi dưỡng để phát triển…
“Ngay khi ban hành Thông tư 30 và nhận thầy cần có văn bản yêu cầu các địa phương giảm áp lực sổ sách cho GV, Bộ GD-ĐT đã có văn bản 6169. Nội dung văn bản đã nói rất rõ nhưng điều tôi trao đổi với thầy cô ở trên. Ở trong văn bản này cũng đã đề cập: Cán bộ quản lý cùng với GV trải nghiệm qua thực tế dạy học trên lớp để chia sẻ và cách đánh giá thường xuyên bằng nhận xét HS trong quá trình dạy học. Bên cạnh đó theo quy định mới thì Phòng GD-ĐT chỉ kiểm tra mang tính chất định hướng, góp ý GV chứ không phải là bắt bí hay đe nẹt GV. Chính vì thế thầy cô hãy chủ động và linh hoạt khi thực hiện thông tư với phương chấm vì sự tiến bộ của HS ” – TS Hoàng Mai Lê nhấn mạnh.
Về việc giáo viên bộ môn phải ghi học bạ quá nhiều, TS Hoàng Mai Lê khẳng định: Mẫu học bạ của Thông tư 30 có hai chữ ký, chữ ký xác nhận của Hiệu trưởng và chữ ký xác nhận của GV chủ nhiệm. Điều này có nghĩa là GV chủ nhiệm phải là người ghi nhận xét, đánh giá vào sổ học sinh chứ không phải là GV bộ môn. Trong Thông tư Bộ đã nói rất rõ, GV bộ môn bàn giao tổng hợp đánh giá, nhận xét cho GV chủ nhiệm, GV chủ nhiệm trao đổi với GV bộ môn khi thực hiện đánh giá, nhận xét đối với môn học. Còn nếu GV bộ môn có thể giúp được GV chủ nhiệm thì ghi nhận xét, Bộ không cấm nhưng nếu tự nguyện làm thay thì không nên than phiền.
Qua hai buổi chia sẻ tại An Giang, Đồng Tháp, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT cũng khá bất ngờ khi những khâu kỹ thuật đơn giản nhưng địa phương vẫn dập khuôn, máy móc. Chẳng hạn như, GV bộ môn vẫn phải viết tay danh sách HS, địa chỉ…mà không nghĩ đến việc có thể in danh sách để dán vào thay vào việc phải ghi tay. Nguyên nhân của tình trạng này là GV sợ Hiệu trưởng, Phòng GD-ĐT không cho phép. Sổ theo dõi chất lượng là sổ cá nhân vẫn phải ghi chi tiết mà không biết dùng cách mã hóa, quy ước để thực hiện…
GV chủ nhiêm hoàn toàn có thể in danh sách học sinh ở trong phần mềm để đính
kèm vào sổ theo dõi chất lương nhưng thầy cô vẫn bị yêu cầu viết tay
kèm vào sổ theo dõi chất lương nhưng thầy cô vẫn bị yêu cầu viết tay
Đặc biệt là có tình trạng, mặc dù biết Bộ có văn bản nhưng không dám thực hiện bởi phải chờ có văn bản của Sở. Trong khi đó Sở lại không ban hành văn bản hướng dẫn nên các trường cứ thực hiện theo yêu cầu trước đây…
Trước những bất cập này, đoàn công tác đã đề nghị các địa phương cần chủ động “cởi trói” cho giáo viên khi thực hiện thông tư 30 và cần có văn bản hướng dẫn kịp thời hoặc giao quyền cho các trường tìm tòi, tiếp cận với các văn bản mới của ngành.
Đáp trả sự đề nghị này, lãnh đạo Phòng GD-ĐT tiểu học của Sở GD-ĐT An Giang và Đồng Tháp đều khẳng định: Với việc Bộ GD-ĐT chia sẻ trực tiếp như thế này thì địa phương cũng vỡ ra được nhiều thứ. Chính vì thế địa phương sẽ sớm có văn bản hướng dẫn và giao quyền chủ động cho giáo viên khi thực hiện Thông tư 30.
Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, với việc nhiều địa phương vẫn chưa hiểu được hết tinh thần của thông tư 30 nên thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ thanh lập các tổ công tác về các địa phương còn bất cập để tập huấn, chia sẻ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét